Đối tác khách hàng
Liên kết hữu ích

Thí điểm thiết kế và chế tạo thiết bị Nhà máy nhiệt điện

Chính phủ vừa đồng ý thí điểm công tác thiết kế và chế tạo thiết bị cho 3 dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ), mở ra một cơ hội lớn cho các DN cơ khí trong nước tham gia vào “sân chơi” này.

      Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, các NMNĐ được thí điểm thiết kế chế tạo gồm: Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1 và Quỳnh Lập 1. Cụ thể, DN cơ khí trong nước sẽ được chỉ định thầu thực hiện các gói thầu thiết kế, chế tạo các hạng mục thiết bị NMNĐ theo đề nghị của chủ đầu tư và Viện Nghiên cứu Cơ khí. Giá trị phần thực hiện của các DN trong nước thấp hơn 5% so với giá trị dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng cơ chế thí điểm thiết kế và chế tạo trong nước các thiết bị NMNĐ, trong đó quy định về mô hình đầu tư, các chính sách về phân chia gói thầu, lựa chọn nhà thầu, nguồn tài chính, kinh phí chuyển giao công nghệ…

Các nhà máy cơ khí của Lilama đủ khả năng chế tạo 60% thiết bị và kết cấu thép cho nhiệt điện - Ảnh: Đức Bảo 

     Trên thực tế, ngành cơ khí Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ khi nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thành công ở nhiều công trình lớn như Nhà máy Thủy điện Sơn La, các Nhà máy Xi măng Quang Sơn, Sông Thao... Vì vậy, việc được tham gia vào khâu thiết kế chế tạo các NMNĐ một lần nữa đã mở ra cơ hội cho các DN trong nước. Ông Nguyễn Chỉ Sáng (Viện Nghiên cứu cơ khí) khẳng định: “Theo QH điện VII, từ nay đến năm 2030, chúng ta đầu tư 90 tỷ USD xây dựng các NMNĐ, trong đó phần chi phí thiết bị chiếm khoảng 67 tỷ USD. Nếu ngành cơ khí trong nước được đảm nhận chế tạo cung cấp dây chuyền thiết bị phụ thì có thể tạo ra 27 tỷ USD. Từ đó có thể tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm. Với 27 tỷ USD trong vòng 19 năm, mỗi năm có thể góp phần giảm nhập siêu khoảng 1,4 tỷ USD. Do vậy, nội địa hóa thiết bị phụ một số NMNĐ là cần thiết góp phần phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước.

      Mục tiêu thì vậy, song trên thực tế, để nắm bắt được cơ hội và biến cơ hội thành hiện thực không phải là điều dễ dàng. Ngay như mô hình thực hiện các dự án hiện nay đã tồn tại nhiều bất cập. Ông Phan Đăng Phong - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cho rằng, mô hình hiện nay gây khó khăn cho DN khi phụ thuộc quá nhiều vào vốn. Đây cũng chính là yếu tố khiến các DN trong nước không đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài. Cũng do thiếu vốn nên tiến độ các dự án thường chậm, kéo dài. Chính vì thế, ông Phong kiến nghị: Nên thay thế mô hình thực hiện cũ bằng mô hình thực hiện các dự án nhiệt điện mới với điểm cốt lõi là chủ đầu tư sẽ là nhà quản lý các gói thầu từ đầu đến cuối. Các dự án sẽ được phân ra các gói thầu là gói thầu thiết bị chế tạo trong nước, gói thầu thiết bị nước ngoài cung cấp và các gói thầu khác còn lại. Mô hình này sẽ bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu nội địa hóa, thiết kế, chế tạo các thiết bị trong nước, nâng cao năng lực DN cơ khí nước nhà và chủ động trong việc chế tạo thiết bị xây dựng nhà máy nhiệt điện. 

     Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết: Hiện trong nước chưa có đơn vị nào đủ năng lực thiết kế và quản lý dự án đồng bộ NMNĐ. Vì vậy, giải pháp tối ưu là các DN cơ khí phải liên danh, liên kết để phát huy thế mạnh của từng DN. Giải pháp đang được đề xuất là hình thành "Liên danh nhà thầu" từ bảy đơn vị trong nước gồm NARIME, TCty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), TCty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi (AGRIMECO), TCty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE), TCty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON), TCty Cơ khí xây dựng (COMA), Cty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh (EEMC) do NARIME làm đại diện. Trước mắt, DN cơ khí cùng tham gia thực hiện các dự án với các đối tác nước ngoài có trình độ công nghệ tiên tiến để vừa bảo đảm chất lượng, giá thành cạnh tranh vừa tiếp thu được kinh nghiệm thiết kế chế tạo của họ... Thêm vào đó, Nhà nước cần đưa ra mục tiêu, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng nhóm sản phẩm. Cần xây dựng những DN cơ khí chế tạo mạnh trong nước thành những đơn vị chủ lực, đồng thời coi trọng tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN, viện nghiên cứu, trường đại học, kể cả các đơn vị liên doanh để mỗi đơn vị đầu tư chế tạo một loại thiết bị, từ đó mới nâng cao sức cạnh tranh cho DN cơ khí.

 

Vân Anh