Đối tác khách hàng
Liên kết hữu ích

Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế

 
Tăng trưởng kinh tế quý một chỉ đạt 4%, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… nhưng tại phiên khai mạc Quốc hội sáng nay, đại diện Chính phủ vẫn tin tưởng vào việc hoàn thành mục tiêu tăng GDP 6-6,5%.
 
Sau phiên họp trù bị kéo dài một tiếng, Quốc hội bước vào chương trình làm việc chính thức lúc 9 giờ sáng nay. Là nội dung quan trọng nhất của phiên làm việc buổi sáng, báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày là bản rút gọn so với tài liệu trước đó do Bộ Kế hoạch & Đầu tư chuẩn bị.
 
 
Chính phủ nhận định cơ bản đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao. Ảnh: Tiến Dũng
Tuy vậy, điểm khác biệt lớn nhất là thay vì chỉ đạt 13 trong tổng số 22 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, báo cáo lần này của Chính phủ cho thấy việc điều hành trong năm 2011 đã hoàn thành và vượt 15 chỉ tiêu. Thay đổi này có thể do việc cập nhật, điều chỉnh số liệu ngay trước kỳ họp Quốc hội.
 
Kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội 2011
Cũng so sánh với báo cáo trước đó của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nhận định lần này của Chính phủ được coi là bớt “hồng” hơn khi các cụm từ “khởi sắc” hay “tích cực” ít được nhắc tới trong đánh giá kết quả đạt được. Thay vào đó, Chính phủ chỉ nhận định đây là các “kết quả bước đầu” khi thực hiện nhiệm vụ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tuy vậy, khi so sánh với các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “về cơ bản là đạt được”. Với giọng đọc khẩn trương, đại diện Chính phủ đã hơn một lần nhận định “trong điều kiện khó khăn, đạt được kết quả này là sự nỗ lực lớn trong điều hành”.
 
Về tình hình 4 tháng đầu năm 2012, cụm từ “kết quả bước đầu” một lần nữa được nhắc tới khi đại diện Chính phủ tổng kết về việc lạm phát hạ nhiệt, thanh khoản ngân hàng, cán cân xuất nhập khẩu được cải thiện, góp phần đưa dự trữ ngoại hối lên khoảng 9 tuần nhập khẩu, các vấn đề xã hội diễn biến tích cực, tai nạn giao thông giảm… Tuy nhiên, Chính phủ cũng ý thức rất rõ về việc tăng trưởng kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận, hấp thụ vốn, tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng… Tính riêng trong 4 tháng, đã có trên 17.700 doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trên cả nước.
 
Do vậy, trong những tháng còn lại của 2012, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất. Trong đó, Chính phủ tập trung vào vấn đề giải quyết khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, trình Quốc hội tiếp tục thông qua các giải pháp về miễn, giảm thuế… Với định hướng như vậy, đại diện Chính phủ khẳng định “tin tưởng vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội đề ra cho năm 2012”.
 
Tại báo cáo thẩm tra trình bày sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Văn Giàu cũng đồng tình với việc chưa đặt vấn đề điều chỉnh các mục tiêu chủ yếu của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Giàu cũng cho rằng với việc GDP quý một chỉ tăng 4%, quý II dự báo tăng 4,5% thì việc tăng trưởng cả năm đạt 6-6,5% như quyết tâm của Quốc hội là rất khó khăn.
 
Đánh giá về các kết quả đạt được, đại diện cơ quan thẩm tra đặc biệt lưu ý việc 2 chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng kinh tế và lạm phát đều không đạt trong năm 2011. Cùng với đó là tỷ lệ tạo việc làm mới thấp, trong khi số doanh nghiệp phát sản, giải thể lại tăng cao. Tuy vậy, Ủy ban kinh tế cũng đánh giá cao việc Chính phủ giảm được tỷ lệ nợ công xuống còn khoảng 52,9% GDP vào cuối năm 2011 (so với số liệu 57,3% GDP được báo cáo trước đó), qua đó giúp cải thiện đáng kể tính an toàn của hệ thống tài chính.
 
Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh đang khó khăn, Quốc hội vẫn đề nghị Chính phủ nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Chính phủ cũng quyết tâm thực hiện mục tiêu này và đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy vậy, một số ý kiến trong ủy ban cũng lưu ý Chính phủ cần có đánh giá sâu sắc hơn đối với các mục tiêu đạt - không đạt trong năm 2011, đặc biệt là vấn đề lạm phát, tỷ lệ giảm nghèo, tạo việc làm mới… Các đại biểu cũng đề nghị có một tổng kết về việc hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp, tỷ lệ hàng tồn kho, số doanh nghiệp phá sản…
 
Ở góc độ tiền tệ, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị phải làm rõ việc tăng trưởng tín dụng thấp (đến 20/4 tăng trưởng âm) ảnh hưởng ra sao tới doanh nghiệp. Ông Giàu cũng cho rằng mặc dù lạm phát hiện đã hạ nhưng lãi suất còn cao, có hiện tượng ngân hàng giữ vốn, đầu tư vào các kênh an toàn thay vì hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất.
 
Trước đó tại diễn văn khai mạc, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận định kể từ kỳ họp trước đến nay, cùng với các giải pháp của Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều chuyển biến: lạm phát hạ nhiệt, xuất khẩu tăng, thị trường tiền tệ ổn định… Tuy nhiên, cùng với sự khó khăn của thị trường thế giới, diễn biến những tháng đầu năm 2011 cho thấy nền kinh tế phát triển chưa ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, xuất hiện các dấu hiệu giảm phát, tăng trưởng thấp… Vấn đề này sẽ được mổ xẻ cặn kẽ tại diễn đàn Quốc hội, cùng với chương trình xây dựng luật và xem xét các vấn đề quan trọng khác của đất nước.
 
Trong phiên làm việc chiều nay (21/5), các đại biểu sẽ tiếp tục nghe trình bày Đề án tổng thể về Tái cơ cấu nên kinh tế, báo cáo thẩm tra, các tờ trình khác liên quan đến ngân sách, đổi mới hoạt động của Quốc hội và chương trình xây dựng pháp luật năm 2013.
 
Các bài viết khác