Đối tác khách hàng
Liên kết hữu ích

Kết thúc thí điểm mô hình tập đoàn VNIC và HUD: Không ảnh hưởng đến đời sống NLĐ

 

Trao đổi với PV Lao Động chiều 4.10, hai ông chủ tịch công đoàn của hai “nguyên tập đoàn” lớn nhất của ngành xây dựng (Sông Đà, HUD) đều khẳng định là đời sống của người lao động không bị ảnh hưởng. Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng (Bộ Xây dựng) Nguyễn Văn Bình cũng có câu trả lời tương tự. 

Theo ông Phạm Văn Quản - Chủ tịch Công đoàn TCty Xây dựng Sông Đà - từ ngày 12.1.2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Tập đoàn Xây dựng Công nghiệp VN từ 6 TCty là Sông Đà, Lilama, Licogi, Coma, Sông Hồng và DIC lấy TCty Sông Đà làm nòng cốt. Nhưng tổ chức Đảng và đoàn thể (công đoàn và đoàn thanh niên) vẫn chưa có sự hợp nhất. Hoạt động của CĐ cấp trên cơ sở đều trực thuộc CĐ Xây dựng Việt Nam. 

 

Đời sống công nhân Lilama sẽ không bị ảnh hưởng sau khi Tập đoàn VNIC bị chấm dứt hoạt động

 “Do mô hình tập đoàn là mô hình thí điểm, nên từ 2010 -2011, Tập đoàn CNXD VN mới ổn định về tổ chức chính quyền, theo Nghị quyết ĐH 10 của tập đoàn. Đầu năm 2012, chúng tôi mới tiến hành xúc tiến hợp nhất tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là tổ chức đoàn thể cấp trên và đến thời điểm này vẫn chưa hợp nhất được. Do vậy, cách thức và tổ chức hoạt động của các TCty gia nhập tập đoàn vẫn giữ nguyên. Riêng tổ chức CĐ và đoàn thanh niên được tổ chức đổi tên để phù hợp với tên gọi của tập đoàn theo NQ53 của Thủ tướng CP. Có thể nói gần 3 năm qua, các tổ chức đoàn thể chưa có sự thay đổi” - ông Quản cho biết.

 Ông Quản khẳng định thêm, Quyết định số 1428 (ngày 2.10.2012) của Thủ tướng Chính phủ về việc kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng VN (VNIC) và các TCty lại trở về vị trí ban đầu. Việc này không ảnh hưởng đến đời sống của gần 80.000 CNLĐ và đoàn viên CĐ, vì họ vẫn là NLĐ của ngành xây dựng Việt Nam và là đoàn viên CĐ thuộc Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam. 

Tương tự, trao đổi với PV Lao Động chiều ngày 4.10, ông Tạ Trọng Tấn – Chủ tịch Công đoàn TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) - cho biết, đời sống người lao động của TCty hiện nay hay từ trước ngày 2.10.2012 - thời điểm TCty nằm trong mô hình tập đoàn thí điểm đến nay vẫn hoàn toàn không có gì thay đổi, vì “Tập đoàn thì cũng là DNNN, khi tách ra trở về lại thành TCty thì cũng vẫn là DNNN nên không thay đổi gì cả” - ông Tấn nói. 

Cũng theo ông Tấn, Tập đoàn HUD - Cty mẹ - có số lượng cán bộ công nhân viên ít hơn các TCty trong cùng tập đoàn nên tất cả các hoạt động công đoàn của các TCty vẫn hoạt động độc lập, trực thuộc Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam, không có chủ trương hợp nhất. Do đó, các chính sách lương thưởng cho người lao động do Chủ tịch HĐQT và TGĐ các tập đoàn quyết định, việc nhập vào tập đoàn hay tách ra trở lại thành từng TCty đơn lẻ không ảnh hưởng gì.

“Điều đáng tiếc là cho đến trước thời điểm Tập đoàn HUD kết thúc thí điểm mô hình này, hội đồng thành viên chúng tôi đã hoàn chỉnh được tất cả các quy chế và khung pháp lý của tập đoàn. Để làm được ra điều lệ của tập đoàn, chúng tôi mất 1 năm 2 tháng...” - ông Tấn chia sẻ.

Theo Báo Lao động