Đối tác khách hàng
Liên kết hữu ích

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí: Cần có chiến lược quốc gia

Trong quá trình công nghiệp hóa, công nghiệp hỗ trợ được coi là khâu then chốt để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, trong đó có ngành cơ khí. Thế nhưng, sau rất nhiều năm phấn đấu, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức “vừa thiếu, vừa yếu”.

Chưa có cơ chế khuyến khích phát triển.

      Một trong những nguyên nhân dẫn đến ngành CNHT của Việt Nam chưa phát triển, đó là do chúng ta chưa có những cơ chế chính sách khuyến khích. Cụ thể như: chúng ta đầu từ rất nhiều tiền của để xây dựng các nhà máy điện, nhưng tổng thầu EPC lại thường rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Đặc biệt, các Cty của Trung Quốc khi trúng thầu thường mang toàn bộ vật tư, thiết bị, lao động sang làm việc nên cơ hội được tham gia vào các khâu trong dự án của DN Việt Nam hầu như không có. Mặc dù trong nước đã có một số đơn vị có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC như LILAMA, từng tham gia vào các dự án lớn nhưng vẫn khó có thể tham gia được vào khâu thiết kế, chế tạo.

Ngành CNHT của Việt Nam tụt hậu 2-3 thế hệ so với khu vực là nhận định chung của các chuyên gia về lĩnh vực này. Cùng với đó là hàng loạt các vấn đề được coi là “điểm yếu” của ngành CNHT Việt Nam đã được các chuyên gia đưa ra trong các cuộc hội thảo như: thiết bị phần lớn là vạn năng, qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu bảo dưỡng định kỳ, thiếu vốn để đầu tư thay thế, đổi mới, nâng cấp. Hay như khâu tạo phôi – một khâu rất quan trọng trong công nghiệp cơ khí, các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng chủ yếu công nghệ đúc bằng khuôn cát, chất lượng vật đúc thấp, tỉ lệ chế phẩm cao. Cơ khí Việt Nam chưa có kinh nghiệm đúc chính xác cao, chưa đúc được những mác thép có chất lượng và độ bền cao. Khâu nhiệt luyện và xử lý chất lượng bề mặt các sản phẩm cơ khí còn yếu đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng của các chi tiết thành phẩm. Hiện ngành cơ khí còn thiếu những cơ sở nhiệt luyện tiên tiến. Khâu gia công kim loại bằng cắt gọt vẫn sử dụng đa số các loại máy móc công cụ lạc hậu, thiếu chính xác, phương pháp công nghệ cũ, trình độ tự động hóa thấp…

Trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo giàn khoan dầu khí thì lại gặp nhiều vướng mắc ở khâu nội địa hóa. Ông Phan Tử Giang, TGĐ Cty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí nêu dẫn chứng: “Dự án đầu tiên chúng tôi thực hiện có một con số đáng giật mình là tiền mua sắm vật tư, thiết bị của các nhà cung cấp trong nước chỉ đạt 1,4 triệu USD, chiếm có 1,3% giá trị mua sắm vật tư, thiết bị và 0,8% giá trị toàn dự án. Mới đây nhất, chúng tôi có đề nghị một DN trong nước làm cho chúng tôi sản lượng phôi thép trị giá 14 triệu đô la. Đã hai tháng qua nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời là có làm được hay không, trong khi dự án đã đến ngày phải triển khai”. Ông Phan Tử Giang cho biết thêm: “Chúng tôi vừa phải mua một cái máy phát điện của Singapo giá 6 triệu đô la. Trong khi sản phẩm này nếu được tích hợp ở trong nước thì giá chỉ có 4 triệu đô. Như vậy nghiễm nhiên là 2 triệu đô đã chảy ra nước ngoài. Chúng tôi chưa dám mong DN trong nước sản xuất được máy phát điện, nhưng nếu tích hợp được các thiết bị thì cũng đã đem lại giá trị rất lớn”.

Cần có chiến lược quốc gia về CNHT

    Cả nước hiện có khoảng 3.100 DN cơ khí trong tổng số 53 000 cơ sở sản xuất cơ khí. Khoảng 50% cơ sở sản xuất cơ khí chuyên chế tạo lắp ráp, còn lại hầu hết là các cơ sở sửa chữa. Tuy nhiên, để những DN, cơ sở trên đem lại lợi nhuận là điều không hề đơn giản. Ông Lâm Chí Quang, TGĐ Tcty máy động lực và máy nông nghiệp khẳng định: Một trong những yếu tố quyết định thành công chính là các DN phải tự vươn lên, chấp nhận cạnh tranh. Đầu tư công nghệ mới, thay đổi triệt để tư duy quản lý cũ, áp dụng các hệ thống và phương thức quản lý tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực là những hướng đi cụ thể quyết định thành công của nhiều DN. Ông Đào Phan Long - Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng: Phát triển cơ khí nói chung và CNHT nói riêng cần được xác định là chiến lược quốc gia chứ không phải việc đơn lẻ của các DN. Nếu không được xác định như vậy, ngành công nghiệp phụ trợ vẫn không thể cất cánh. Chỉ khi trở thành chiến lược quốc gia, các quyết sách của nhà nước mới đủ sức mạnh để vực dậy ngành cơ khí đang rất khó khăn như hiện nay.

Việc không được hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước dẫn tới các DN cơ khí ngày càng rơi vào vòng luẩn quẩn. Ông Hang Ha Ryu, TGĐ Cty Doosan Vina kiến nghị: tại Luật Đấu thầu có một quy định yêu cầu bắt buộc DN tham gia đấu thầu trong nước phải có lãi từ 2 năm trở lên và phải có ít nhất 2 công ty trong nước làm được thì mới mở thầu trong nước. Tuy nhiên, Doosan đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào ngành công nghiệp nặng và mới đi vào sản xuất kinh doanh có hơn 3 năm thì chưa thể có lãi ngay được. Như vậy vô hình chung theo quy định này thì Doosan bị loại ra ngay từ đầu. Vì không được tham gia đấu thầu nên không có hàng để làm dẫn tới không có lợi nhuận… Vòng luẩn quẩn như vậy thực tế đang “giết” rất nhiều các DN cơ khí của Việt Nam. Doosan mạnh dạn kiến nghị Chính phủ cần có chính sách rõ ràng hơn trong cơ chế hỗ trợ và bao tiêu cho sản phẩm cơ khí trong nước ngay tại các dự án có sử dụng vốn nhà nước

. Các chuyên gia và DN trong lĩnh vực cơ khí đều cho rằng, để phát triển ngành CNHT vẫn rất cần có sự hỗ trợ từ các chính sách vĩ mô của Nhà nước.

Vân Anh